Hen Phế Quản
Ngày tạo : 8/13/2015 Lượt xem : 2452
I/ Đại cương:
Hen phế quản là trạng thái lâm sàng của sự phản ứng cao độ của khí phế quản do nhiều kích thích khác nhau, biểu hiện đặc trưng là cơn khó thở với tiếng cò cử do hậu quả co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc phế quản và tăng tiết dịch nhầy phế quản. Cơn khó thở có thể hồi phục (tự khỏi hoặc điều trị khỏi).
II/ Những yếu tố làm khởi phát cơn hen thường thấy:
- Dị ứng với một số chất như: phấn hoa, sơn, xăng, dầu, lông gia cầm, khói thuốc lá..., thức ăn như tôm, cua..., thuốc như vacxin, penicillin, aspirin...
- Nhiễm khuẩn: thường là những ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, viêm VA ở trẻ em.
- Yếu tố vật lý: thay đổi thời tiết, nhiệt độ, gió mùa, áp suất, độ ẩm.
- Sau những hoạt động gắng sức như chạy làm xuất hiện cơn hen, thường ở trẻ em và người trẻ tuổi.
- Sang chấn tinh thần có thể làm khởi phát cơn hen.
III/ Triệu chứng:
- Triệu chứng báo trước: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mặt, ho khan, buồn ngủ.
- Bắt đầu cơn khó thở, khó thở chậm, khó thở ra giai đoạn đầu. Có tiếng cò cử, khó thở tăng dần, bệnh nhân phải ngồi tỳ tay vào thành giường để thở, mệt nhọc, vã mồ hôi, tiếng nói ngắt quãng.
- Cơn khó thở kéo dài 10 - 30 phút, có khi hằng giờ, hằng ngày. Sau đó khó thở giảm dần và kết thúc là một đợt ho khạc nhiều đờm trong quánh dính, càng khạc nhiều đờm, bệnh nhân càng dễ chịu.
IV/ Biến chứng:
- Nhiễm khuẩn: sốt, ho khạc đờm đặc, khó thở, có khi có suy hô hấp.
- Giãn phế nang.
- Suy thất phải.
V/ Phòng ngừa cơn hen tái phát:
- Khuyên bệnh nhân tránh những yếu tố gây dị ứng, những yếu tố gây stress.
- Điều trị triệt để những ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào.
- Giữ ấm về mùa lạnh.
- Tăng cường bồi dưỡng, luyện tập thể thao để nâng cao sức khoẻ.
- Thay đổi nơi làm việc và sinh sống phù hợp nếu có thể.
VI/ Giáo dục sức khỏe:
- Tuân thủ chế độ điều trị.
- Nhằm kiềm chế cơn hen tái phát hoặc không để cơn hen nặng lên:
+ Nên tránh những yếu tố gây dị ứng, stress.
+ Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
+ Không hút thuốc, giữ ấm về mùa lạnh.
+ Tăng cường dinh dưỡng, luyện tập thể dục nâng cao sức khoẻ.
- Nhằm phục hồi chức năng hô hấp tránh các biến chứng:
+ Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu, thở ra chúm môi.
+ Cần đến khám bệnh khi có một trong các biểu hiện sau: khó thở tăng, sốt, ho hoặc ho ra máu, phù…
- Ăn các thức ăn giàu vitamin C, E, nên ăn cam, táo, cà chua, nho giúp trị chứng thở khò khè và viêm mũi dị ứng nhờ vào lượng chất oxy hóa cao.
- Nên ăn nhạt < 6 gr muối/ ngày.
- Tránh thực phẩm sinh hơi, gây chứng bụng.
- Uống nhiều nước . Không uống trà, cà phê, thức uống có gas vì nó có thể tương tác với một số thuốc điều trị.
TRƯỞNG KHOA
BS Nguyễn Tấn Vinh