1. Là vệ sĩ của cơ thể
Mũi đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ phổi. Lông mũi và nước nhầy ở lớp màng bên trong thành mũi sẽ lọc sạch các phân tử bé ti li, như bụi bẩn và những tác nhân có khả năng gây dị ứng khác trước khi chúng xâm nhập vào phổi.
2. Ảnh hưởng đến vị giác
Các dây thần kinh khứu giác luôn có kết nối với những dây thần kinh vị giác thông qua sự liên kết của các dây thần kinh ở não bộ, nhưng chúng hoạt động cụ thể như thế nào thì cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đối với các nhà khoa học.
Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy những người bị mất đi khả năng ngửi mùi thì cũng sẽ bị suy giảm khả năng nhận biết vị, nhưng không phải mọi trường hợp đều như vậy.
3. Là con đường dẫn đến não bộ
Các tĩnh mạch nằm bên trong và xung quanh mũi khác hoàn toàn so với những khu vực còn lại của cơ thể. Thông thường, các tĩnh mạnh luôn có các van để đóng và mở khi cần thiết nhằm ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, hoặc những chất lạ xâm nhập vào bên trong. Tuy nhiên, hệ thống các tĩnh mạch xung quanh mũi lại không có "dụng cụ sàng lọc" kiểu này.
Điều này cũng có nghĩa là khi bạn mắc phải một căn bệnh nhiễm khuẩn nào đó, chúng sẽ có khả năng xâm nhập trực tiếp tới não. Trong những trường hợp hiếm gặp, tình trạng này có thể dẫn tới chứng viêm màng não hoặc bị áp-xe ở não. Do đó, cần lưu ý tới mọi triệu chứng bất thường xảy ra khi bạn đang bị viêm nhiễm ở mũi hay mắt.
4. Là công cụ để chuẩn đoán bệnh
Trong tương lai, các nhà khoa học có thể chẩn đoán bệnh Alzheimer's và chứng tâm thần phân liệt bằng cách kiểm tra các sợi thần kinh ở trong mũi. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những đặc tính tế bào của những mô tế bào mũi sinh thiết từ những bệnh nhân được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao. Điều này giúp cho việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn, nhờ đó, tiến trình điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
5. 1 lít là con số thể hiện lượng nước nhầy mà mũi và xoang mũi tiết ra mỗi ngày. Phần lớn trong số này sẽ chảy vào cổ họng và bị bạn nuốt vào bụng.
6. Phần lớn các trường hợp viêm xoang cấp tính đều do cùng một loại vi-rút gây bệnh cảm lạnh thông thường gây ra. Bệnh viêm xoang cấp tính được xem là một trong những căn bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất hiện nay.
7. Hãy sử dụng nước muối để rửa mũi hàng ngày nếu bạn bị dị ứng hoặc viêm xoang. Đó là lời khuyên từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nước muối giúp rửa trôi lớp dịch nhầy đã cô đặc đóng trong mũi, hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Theo khuyến cáo, các bác sĩ cần chờ ít nhất là 7 ngày trước khi kê đơn kháng sinh trong những trường hợp bị viêm xoang cấp tính. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ điều trị kê đơn thuốc có chứa steroid dành cho mũi nhằm hạn chế tình trạng sưng phồng và rửa mũi bằng nước muối để làm sạch mũi.